2014 LA Hacks Keynote

The following keynote was delivered by Evan Spiegel, CEO of Snapchat, during LA Hacks at Pauley Pavilion on April 11, 2014.
Evan Spiegel, CEO của Snapchat đã trình bày bài phát biểu sau đây trong Cuộc thi Phần mềm tổ chức tại Pauley Pavilion, LA vào ngày 11/04/2014.
Tôi rất biết ơn các bạn đã dành thời gian và sự quan tâm cho sự kiện tối nay. Thật tuyệt khi được nhìn thấy thật nhiều bạn trẻ cùng tề tựu về đây để xây nên những điều tuyệt vời. Tôi rất trân trọng các bạn và cả tôi.
Mọi người hay hỏi tôi về chìa khóa dẫn đến thành công và bản thân tôi cũng luôn thấy tò mò về điều đó.
Nhưng mãi đến gần đây tôi mới tìm được câu trả lời. Tôi rất may mắn khi được một ông lão thông thái tại một ngôi đền Hồng Kông xem chỉ tay. Ngoài việc biết được rằng tôi sẽ kết hôn và có một cậu con trai trước 30 tuổi, ông lão còn chỉ cho tôi ba chìa khóa dẫn đến thành công.
Các chìa khóa này là:
1. Làm việc Chăm chỉ
2. Năng lực
3. Mối quan hệ giữa Người với Người
Vì các bạn đều ở đây vào lúc mười giờ tối ngày thứ Sáu với mục đích làm việc cùng nhau trong 36 giờ tới, nên tôi không cần phải giải thích về khả năng hay sự chăm chỉ nữa. Các bạn đều có hai chìa khóa này cả rồi.
Nên tối nay tôi sẽ tập trung nói về mối quan hệ giữa con người với nhau, không phải mối quan hệ được xây dựng theo kiểu trao đổi danh thiếp hay kết bạn trên LinkedIn, mà là kiểu được hình thành qua thời gian, thông qua những cuộc trò chuyện sâu sắc, đầy nhiệt thành và sôi nổi.
Tôi muốn chia sẻ một hoạt động chúng tôi làm ở Snapchat mà tôi học được tại Crossroads, trường cấp 3 của tôi, và họ cũng thừa hưởng từ Tổ chức Ojai: thực hành họp hội nghị. Nghe có vẻ giả tạo với một số bạn, nhưng điều này rất quan trọng với chúng tôi. Nghĩa là mỗi lần một tuần, các thành viên trong đội tập hợp thành nhóm 10 người hoặc hơn để trình bày cảm nhận của họ trong một giờ đồng hồ. Cũng như thành công có ba chiếc chìa khóa, cuộc họp cũng có ba quy tắc. Quy tắc đầu tiên là luôn chia sẻ thật lòng, thứ hai là phải biết lắng nghe và thứ ba là mọi việc xảy ra trong cuộc họp chỉ giới hạn trong phạm vi cuộc họp. Chúng tôi nhận thấy sự kết hợp đặc biệt này vô cùng hữu hiệu không chỉ trong việc biểu đạt cảm xúc của bản thân, mà còn giúp ta thấu hiểu và trân trọng cảm xúc của người khác.
Một người bạn nói với tôi rằng bạn biết mình yêu ai đó khi họ là người bạn muốn chia sẻ mọi câu chuyện và tôi sẽ bổ sung thêm rằng họ là người bạn muốn lắng nghe nhất.
Tôi muốn nói về quan điểm mọi việc xảy ra trong cuộc họp chỉ giới hạn trong cuộc họp, mà không làm giảm đi tầm quan trọng của việc chia sẻ thật lòng hay chân thành lắng nghe. Đảm bảo rằng cảm nhận mọi người nói ra trong cuộc họp sẽ không được công khai tạo nên không gian để chúng ta mở lòng. Điều đó cho phép chúng ta chia sẻ những suy nghĩ sâu kín nhất, những suy nghĩ và cảm xúc dễ dàng bị hiểu lầm nếu ở trong hoàn cảnh khác. Nói đơn giản hơn: chúng tôi tôn trọng quyền riêng tư của cuộc họp.
Thật không may, quyền riêng tư rất thường bị hiểu là việc giữ bí mật, trong khi như Nissenbaum đã chỉ ra, quyền riêng tư thực ra lại tùy vào hoàn cảnh. Không phải tiết lộ điều gì - mà là tiết lộ ở đâu và với ai. Quyền riêng tư cho phép chúng ta tận hưởng và học hỏi dựa trên sự thân thiết được tạo dựng khi chúng ta chia sẻ những điều khác nhau với những người khác nhau trong các hoàn cảnh khác nhau.
Kundera viết rằng: "chúng ta nói xấu bạn bè và sử dụng ngôn từ thô lỗ khi ở riêng với nhau, và việc chúng ta cư xử khi ở riêng khác với khi ra đường là trải nghiệm dễ thấy nhất của mọi người, đó chính là nền tảng cuộc sống của một cá nhân; kỳ lạ thay, sự thật hiển nhân này lại không được nhận thức, không được biết đến và mãi mãi bị che khuất bởi những giấc mơ trữ tình về những ngôi nhà kính trong suốt, mọi người hiếm khi hiểu rằng đó là giá trị phải được bảo vệ trên hết".
Ở Mỹ, trước khi có mạng Internet, sự tách biệt giữa cuộc sống ngoài xã hội và riêng tư thường gắn liền với vị trí thực tế của chúng ta - ở nơi làm việc và ở nhà. Chúng ta giao tiếp với bạn bè và gia đình trong những hoàn cảnh rất rõ ràng. Ở nơi làm việc, chúng ta là những chuyên gia, còn ở nhà ta lại trở thành người chồng, người vợ hay người con.
Có một số ít người hiểu rõ sự khác nhau giữa biểu hiện ngoài xã hội và riêng tư hơn cả người nổi tiếng, đó là những người nhận được lợi ích đáng kể trong cuộc sống riêng tư nhờ cá tính ngoài xã hội của họ. Khi quyền riêng tư của ai đó bị đe dọa, khi hoàn cảnh để chia sẻ câu chuyện không còn nữa, thì sự riêng tư và công khai dễ phân biệt hơn bao giờ hết.
Gần đây khi đi bộ qua một sân bay, đặc san của tạp chí Newsweek đã đập vào mắt tôi với lời cam đoan tiết lộ quyển "Sổ ảnh Thất lạc" của Marilyn Monroe. Thật vậy, nhà báo nọ đã tìm thấy một quyển sổ ảnh mà bà ấy soạn ra cho một nhà nhiếp ảnh và cũng là bạn.
Nhà báo đó miêu tả về tập ảnh rằng: "Đó là khi Marilyn rất tự nhiên, để đầu tóc rối bù và chẳng mảy may lo lắng về việc người ta nghĩ hay nhìn bà ấy thế nào. Bà ấy chẳng bận tâm đến cách bố trí các bức ảnh. Bà ấy bận tâm đến việc mình làm gì trong đó. Bà ấy thích vui đùa."
Những trang sổ đầy màu sắc, bên cạnh ảnh là những dòng chữ miêu tả suy nghĩ và cảm xúc của Marily. Kế bên tấm ảnh chụp bà mặc áo choàng tắm xung quanh đầy dụng cụ sản xuất, bà viết: "khi làm việc, một cô gái chẳng còn chút riêng tư." Marilyn cảm thấy quyển sổ ảnh là nơi riêng tư để chia sẻ với người bạn nhiếp ảnh gia của bà. Đó không phải là con người bà ngoài xã hội.
Mạng Internet khuyến khích chúng ta tạo ra những quyển sổ ảnh cảm xúc, nhiều khả năng là không có ngữ cảnh, để thích thú sẻ chia với bạn bè chúng ta, hay "khán giả" của chúng ta. Cảm xúc của chúng ta được thể hiện dưới dạng thông tin, chúng được dùng để phân loại và mô tả sự tồn tại của chúng ta.
Trên mạng Internet, chúng ta sắp xếp thông tin theo mức độ phổ biến nhằm phân định giá trị của chúng. Nếu một trang web được đề bạt bởi nhiều trang web khác, thì người ta thường xem nó có nhiều giá trị hoặc chính xác hơn. Những cảm xúc thể hiện trên mạng xã hội cũng được cân đong, xác nhận và phân bổ theo cách tương tự. Cách thể hiện phổ biến trở thành cách thể hiện có giá trị nhất.
Các doanh nghiệp truyền thông xã hội đại diện cho sự xâm lăng mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản vào các mối quan hệ cá nhân của chúng ta. Chúng ta được yêu cầu thể hiện vì bạn bè, tạo ra những thứ họ thích, xây dựng "thương hiệu cá nhân". Và các thương hiệu đã dạy chúng ta rằng tính xác thực là kết quả của sự nhất quán. Chúng ta phải tôn vinh "con người thực" của mình và thể hiện con người đó với tất cả bạn bè, hoặc sẽ bị mất uy tín.
Nhưng bản tính con người không phải là thật hay giả. Chúng ta có đầy mâu thuẫn và chúng ta thay đổi. Đó chính là thú vui của đời người. Chúng ta không phải thương hiệu, đó không phải bản chất của chúng ta.
Công nghệ đã tiếp nối quan điểm sai lầm về nhà kính trong suốt và đã tạo ra một nền văn hóa coi trọng ý kiến số đông hơn là tư duy phản biện. Chúng ta cho phép bản thân tin rằng nhiều thông tin cũng đồng nghĩa nhiều kiến thức hơn. Và dần dà, chúng ta sống trong thời đại mà, như Rosen mô tả:"những thông tin cá nhân riêng tư trước đây chỉ được chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp, nay có thể bị phơi bày cho, và bị hiểu sai bởi, một bộ phận khán giả ít thấu hiểu hơn".
Mỗi khi chúng ta bộc lộ bản thân, ta đều nhận thức rằng những điều mình nói có thể được ghi nhận công khai và vĩnh viễn. Chúng ta được khuyến khích bộc lộ bản thân theo những cách được nhiều bộ phận khán giả đón nhận nhất. Chúng ta mất đi bản sắc riêng để đổi lấy sự thừa nhận của số đông.
Điều khiến tôi bận tâm là chúng ta đã bồi đắp nên một thế hệ những con người tin rằng các nhà lãnh đạo thành công là những người có nhiều lượt theo dõi. Tôi tin rằng nhà lãnh đạo tài ba nhất là những người có lập trường, quan điểm rõ ràng, Và quan điểm đó phải được phát triển, không phải một mình, mà kín đáo, bằng không sẽ có nguy cơ bị bình thường hóa khi tìm kiếm sự ủng hộ của số đông.
Tôi thường khích lệ bản thân bằng những lời mà Roosevelt ở Sorbonne từng tuyên bố:"Những kẻ phê bình chỉ là phường hèn mọn; kẻ chỉ ra rằng người mạnh mẽ vấp ngã thế nào, hay người trong cuộc cần phải cải thiện ra sao cũng đều thế cả. Công trạng thuộc về người thực sự tiến vào đấu trường, với gương mặt lấm đầy bụi đất, máu và mồ hôi. Thuộc về người phấn đấu không ngừng nghỉ; người mắc sai lầm, thất bại hết lần này đến lần khác, bởi vì không có thiếu sót thì làm sao có cố gắng. Thuộc về người thực sự nỗ lực làm điều gì đó; người cống hiến hết sức mình, có cả một bầu trời nhiệt huyết; người dốc lòng theo chí lớn; người hiểu rõ niềm vui sướng sau cùng khi đạt đến đỉnh cao. Và thuộc về người mà trong tình huống tệ nhất, nếu thất bại, ít ra anh ta thất bại một cách can trường, vì thế đẳng cấp của anh ta không thể bị đánh đồng với loại người thờ ơ rụt rè chưa từng nếm mùi thành công hay thất bại".
Chúng ta đã xây dựng nên một xã hội nơi có quá nhiều người đứng trong đấu trường và chiến đấu vì khán giả và những tràng pháo tay, chứ không phải vì mạng sống, gia đình hay lý tưởng của họ. Và chúng ta là những khán giả ngồi trong đấu trường, thích thú tiêu khiển, ăn uống no say. Chúng ta đủ đầy, nhưng liệu chúng ta có hạnh phúc?
Kundera từng viết rằng:"khi việc rêu rao đời sống riêng tư của người khác trở thành quy tắc và tục lệ, chúng ta đang bước vào một thời kỳ mà cái giá cao nhất phải trả là sự tồn vong của một cá nhân".
Tôi tin rằng thời kỳ đó chính là lúc này.
Tôi muốn trích lại vài lời trong đoạn cuối của bài diễn văn mà lẽ ra Tổng thống Kennedy đã phát biểu vào ngày ông ấy bị ám sát. Vào ngày đó, Kennedy sẽ phát biểu những điều này trong thời chiến. Tối nay, tôi muốn các bạn lắng nghe vì chúng ta đang đối mặt với cuộc chiến ngăn chặn sự diệt vong của cá nhân.
"Chúng ta, tại quốc gia này, ở thế hệ này, là những người canh gác tường thành của thế giới tự do, bởi định mệnh mà không do lựa chọn. Do đó, chúng ta cầu xin được sống xứng đáng với quyền lực và trách nhiệm của bản thân, được thể hiện sức mạnh bằng trí khôn và sự tiết chế, và đạt được khải tượng cổ xưa:"bình an dưới đất, ân trạch cho mọi người" trong thời đại của mình cũng như mãi về sau. Đó luôn phải là mục tiêu của chúng ta, và đại nghiệp công chính phải luôn là nền tảng sức mạnh của chúng ta. Vì điều này từ xưa đã lưu truyền: "nếu Thượng Đế không che chở thành phố, lính canh tỉnh thức cũng như không."
Chúng ta ở đây để xóa bỏ sự kì thị rằng hành động xâm nhập máy tính có liên quan mật thiết đến việc tiết lộ những thứ mà người khác không muốn bị tiết lộ. Tôi khuyến nghị tất cả mọi người hãy tạo ra một không gian đề cao và tôn trọng những suy nghĩ, cảm xúc và ước mơ của người khác, vào cuối tuần này, trong suốt khoảng thời gian vô cùng quan trọng này. Chúng ta đến đây để tìm kiếm niềm vui và sự thoải mái khi chia sẻ và kiến tạo. Chúng ta phải xây dựng trên tinh thần nghĩ tới các thế hệ mai sau, để con em chúng ta có thể khám phá ra niềm vui trong mối quan hệ giữa người với người cũng như sự thể hiện cá nhân, được bảo vệ bởi quyền riêng tư.
Back To News