We Stand Together

Snap CEO Evan Spiegel sent the following memo to all Snap team members on Sunday, May 31. In it he condemns racism while advocating for creating more opportunity, and for living the American values of freedom, equality and justice for all.
Sau này, tôi có cơ hội làm việc và học tập tại Nam Phi, nơi tôi có vinh dự gặp một trong những người hùng tôi ngưỡng mộ: Giám mục Tutu. Tôi đã chứng kiến sự tàn phá của chế độ Apartheid và hậu quả của nạn phân biệt chủng tộc, và cả những nỗ lực không ngừng nghỉ để hòa giải và hướng tới sự tiến bộ. Khi học năm cuối tại đại học Stanford, tôi sống ở Ujamaa. Đây là ký túc xá trong khuôn viên trường dành riêng cho cộng đồng người da đen (và ở đó phần lớn sinh viên là người da đen). Dù Stanford đem lại cho tôi những đặc quyền to lớn, tôi vẫn học được rất nhiều bài học về sự bất công và nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội chúng ta.
Tôi chia sẻ chuyện này không phải để nói về những hiểu biết đầu tiên của tôi về cuộc sống của người da den ở Hoa Kỳ, mà để giải thích rằng trong suốt gần 30 năm, bản thân tôi đã chứng kiến và đồng hành với những nỗ lực giành lại công lý ở nước Mỹ và trên toàn thế giới - một quá trình mạnh mẽ, nhiệt huyết, bền bỉ và có lý lẽ rõ ràng. Nhưng 30 năm sau, mặc cho điệp khúc của hàng triệu lời kêu gọi, quá trình này vẫn không có nhiều tiến bộ. Khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ đã đạt đến mức chưa từng có trong suốt gần một thế kỷ. Người da màu không thể đến cửa hàng tạp hóa hoặc ra ngoài chạy bộ mà không canh cánh nỗi sợ bị sát hại, trong khi đó thủ phạm lại không phải chịu hậu quả. Nói một cách đơn giản, thử nghiệm của Mỹ đang thất bại.
Tôi chia sẻ điều này bởi vì tôi hiểu rằng, theo lời của MLK: "Bạo loạn là ngôn ngữ của những người không được lắng nghe", và rằng những người chủ trương thay đổi bằng biện pháp hòa bình suốt nhiều thế kỷ qua đã thấy được quá trình hướng đến tương lai tự do, bình đẳng và công lý cho mọi người này gần như không có sự tiến bộ, dù đây là tương lai mà nước Mỹ đã hứa hẹn từ lâu. Vì vậy tôi hiểu tại sao những người nổi loạn cảm thấy họ không được lắng nghe.
Sau khi thành lập Snapchat, trong bài phát biểu đầu tiên tôi được mời trình bày tại Hội nghị Nữ doanh nhân Stanford năm 2013, tôi đã nói: “Tôi là một nam thanh niên da trắng có học thức. Tôi thực sự vô cùng, vô cùng may mắn. Và cuộc sống chẳng hề công bằng.” Lúc đó tôi thấy việc nêu ra đặc quyền của tôi, đồng thời thừa nhận sự bất công trong xã hội của chúng ta là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trước các nữ lãnh đạo doanh nghiệp, những người phải đương đầu với sự bất công này hằng ngày. Thừa nhận đặc quyền của bản thân là bước quan trọng đầu tiên, vì nó giúp tôi biết lắng nghe. Tôi là một người đàn ông da trắng giàu có, nên những trải nghiệm về sự bất công của tôi khác hẳn so với những người Mỹ khác. Việc hiểu được cảnh ngộ của những người khác với mình giúp tôi trở thành đồng minh tốt trong cuộc đấu tranh này.
Khi nước ta được thành lập, lý tưởng cốt lõi đó là hoàn cảnh ra đời không thể định đoạt quỹ đạo của đời bạn. Các vĩ nhân lập nên nước Mỹ cho rằng ý tưởng Chúa chỉ chọn một vị vua là một ý tưởng nực cười. Chúa chọn tất cả chúng ta và đều yêu thương mọi người. Họ mong muốn xây dựng một xã hội phản ánh tình yêu của Chúa và quan niệm Chúa ở trong tất cả chúng ta. Chúa tin rằng mọi người trong chúng ta đều xứng đáng có được sự yêu thương bình đẳng.
Tuy nhiên, tổ tiên sáng lập ra nước Mỹ - những người ủng hộ giá trị của sự tự do, bình đẳng và công lý cho tất cả ấy – lại chủ yếu là chủ nô. Tầm nhìn của họ về một quốc gia do dân, vì dân được xây dựng trên nền tảng của những định kiến, sự bất công và quan niệm phân biệt chủng tộc. Nếu không xử lý được nền tảng mục nát này và những thất bại liên tục trong việc tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người, chúng ta sẽ kìm hãm khả năng nhận ra năng lực thực sự của mình trong quá trình tiến bộ của con người, và chúng ta sẽ tiếp tục thất bại trong việc hiện thực hóa tầm nhìn to lớn về sự tự do, bình đẳng và công lý cho tất cả mọi người.
Tôi thường được bạn bè, thành viên trong đội ngũ, nhà báo và đối tác hỏi rằng chúng ta có thể làm gì để tạo nên sự khác biệt. Tôi hiểu mình không phải là chuyên gia, và ở tuổi 29, tôi còn nhiều điều phải học về cách thức vận hành của thế giới. Sau đây, tôi xin chia sẻ quan điểm cá nhân về những điều cần thiết để tạo ra sự thay đổi mà nước Mỹ luôn khao khát. Để chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào hệ thống, ta phải đồng thời tạo cơ hội cho tất cả mọi người, bất kể xuất thân của họ ra sao.
Tôi cho rằng bước đầu tiên và quan trọng nhất là tái khẳng định cam kết của chúng ta đối với các giá trị nền tảng của quốc gia: tự do, bình đẳng, công lý, đời sống, quyền được làm điều mình muốn và được mưu cầu hạnh phúc. Chúng ta phải phối hợp để tạo nên tầm nhìn chung về thành công trong tương lai và xác định xem chúng ta muốn để lại một nước Mỹ ra sao cho nhiều thế hệ sau. Đây phải là quá trình có sự tham gia của tất cả người dân Mỹ, là quá trình "do dân, vì dân". Nếu có thể xác định rõ hình ảnh quốc gia ta muốn hướng tới, chúng ta có thể bắt đầu hành động và vận dụng các giá trị của mình trong các quyết định quan trọng giúp hiện thực hóa tầm nhìn chung này.
Chúng ta cũng cần bắt đầu đo lường sự thành công của mình dựa vào khả năng hiện thực hóa các giá trị của chúng ta, thay vì dựa vào các số liệu ngắn hạn như GDP hay thị trường chứng khoán. Khi chi phí chăm sóc sức khỏe của bạn tăng lên, dù bạn nhận được giá trị lớn chừng nào, GDP cũng sẽ tăng lên. Khi một cơn bão ập đến đánh sập hàng loạt ngôi nhà và chúng ta phải xây dựng lại, GDP cũng sẽ tăng lên. Về cơ bản, GDP là số liệu không hiệu quả và không phản ánh những gì làm nên hạnh phúc thực sự của con người. Sự mưu cầu hạnh phúc phải vượt lên trên sự mưu cầu của cải.
Chúng ta nên thành lập một Ủy ban Sự thật, Hòa giải và Bồi thường mang tính đa dạng và phi đảng phái. Chúng ta phải bắt đầu một quy trình thực hiện những điều sau: đảm bảo cộng đồng người Mỹ da màu ở khắp nơi được lắng nghe, điều tra tình trạng thiên vị và định kiến trong hệ thống tư pháp hình sự, củng cố sức mạnh của Vụ Quyền Công dân của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, và hiện thực hóa các khuyến nghị về hòa giải và bồi thường do Ủy ban đặt ra. Ta có thể học hỏi rất nhiều từ những người đã can đảm thực hiện quy trình tương tự sau những hành động tàn bạo trên khắp thế giới, và chúng ta cần tạo ra một quy trình phản ánh các giá trị Mỹ, cũng như giúp đất nước ta thực hiện những sự thay đổi và hàn gắn vô cùng cần thiết này.
Chúng ta phải tái khởi động chương trình “Công cụ Cơ hội” tại Mỹ bằng cách đầu tư vào giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận các yếu tố cơ bản của một xã hội tự do và công bằng.
Tôi cho rằng, lý do khiến tinh thần khởi nghiệp ở Mỹ giảm đáng kể từ những năm 1980 là sự thiếu mạng lưới an sinh xã hội. Tinh thần khởi nghiệp phụ thuộc vào những cá nhân dám mạo hiểm để kinh doanh, và họ sẽ không thể bắt đầu nếu không có một mạng lưới an toàn như tôi đã từng có. Các doanh nhân tương lai giờ đang phải vừa gánh khoản nợ sinh viên, vừa phải chịu mức tăng trưởng tiền lương trì trệ và chi phí không ngừng gia tăng. Do đó, rất khó để họ có thể tiết kiệm vốn và bắt đầu kinh doanh.
Đầu tư vào tương lai của đất nước để mang lại lợi ích cho nhiều thế hệ sau là một vấn đề rất tốn kém. Chúng ta sẽ cần thiết lập một hệ thống thuế thu nhập lũy tiến nhanh hơn và thuế bất động sản cao hơn nhiều, đồng thời các công ty cần phải trả mức thuế cao hơn. Ta cần vừa đầu tư vào tương lai, vừa giảm mức thâm hụt liên bang để sẵn sàng hơn trong việc ứng phó với mọi cú sốc bên ngoài có thể xảy ra trong tương lai, nhất là khi thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Nói tóm lại, những người như tôi sẽ trả nhiều tiền thuế hơn, và tôi tin rằng đây là việc đáng làm để tạo ra một xã hội có lợi cho tất cả chúng ta.
Nhiều thay đổi trong số này có thể “không tốt” với doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhưng vì chúng đại diện cho các khoản đầu tư dài hạn vào con người của quốc gia, tôi tin rằng chúng ta sẽ cùng nhau gặt hái được những lợi ích lâu dài to lớn.
Tại sao sự thay đổi này chưa diễn ra? Tôi cho rằng đơn giản là vì các Boomer (những người sinh ra trong khoảng từ năm 1946 đến 1964) chiếm đại đa số trong các nhánh của chính phủ Mỹ và họ ít quan tâm đến việc tạo ra tương lai tốt đẹp hơn cho con cái họ. Suốt nhiều thập kỷ, chính phủ Mỹ đã cam kết thực hiện chiến lược cắt giảm thuế tài trợ bằng nợ và chi trả cho những quyền lợi để làm giàu cho những cử tri quan trọng nhất của họ: các Boomer. Thực tế, các Boomer nắm giữ gần 60% tổng tài sản hộ gia đình ở Mỹ. Cụ thể hơn, các tỷ phú chiếm khoảng 3%. Ví dụ: với An sinh Xã hội, chúng ta tài trợ cho một chương trình chi trả cho quyền lợi của thế hệ giàu có nhất trong lịch sử nước Mỹ mà không có bất cứ hình thức thẩm định tiêu chuẩn trợ cấp nào.
Vài nghiên cứu cho thấy khi thế hệ lớn tuổi không thấy hình ảnh của mình trong thế hệ trẻ, họ sẽ ngần ngại đầu tư vào tương lai hơn. Tại Mỹ, thế hệ Boomer có khoảng 70% là người da trắng, còn thế hệ Z có khoảng 50% là người da trắng. Sự thay đổi về nhân khẩu học của nước Mỹ là không tránh khỏi. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể chung tay tạo ra một quốc gia phản ánh tốt hơn các giá trị nền tảng của đất nước, hàn gắt vết thương trong quá khứ, phấn đấu loại bỏ sự phân biệt chủng tộc và bất công cũng như tạo cơ hội cho tất cả mọi người, dù họ là ai và sinh ra ở đâu?
Về phần Snapchat, chúng ta tuyệt đối không quảng bá các tài khoản tại Mỹ liên quan đến những người kích động bạo lực chủng tộc, dù họ làm vậy trên Snapchat hay ở bên ngoài. Nền tảng nội dung Khám Phá của chúng ta là một nền tảng có chọn lọc, chúng ta có quyền quyết định nội dung được quảng bá. Chúng ta đã nói nhiều lần về những nỗ lực nhằm tạo tác động tích cực, và chúng ta sẽ thực hiện lời nói đó thông qua những nội dung ta quảng bá trên Snapchat. Chúng ta có thể tiếp tục cho phép những người gây chia rẽ duy trì tài khoản trên Snapchat, miễn là nội dung họ đăng trên Snapchat tuân thủ cẩm nang cộng đồng của chúng ta, nhưng chúng ta sẽ không quảng bá tài khoản hoặc nội dung đó dưới bất kỳ hình thức nào.
Không bao giờ là quá muộn để hướng đến sự yêu thương. Tôi luôn chân thành và tha thiết hy vọng rằng những người lãnh đạo nước Mỹ vĩ đại sẽ hướng tới các giá trị nền tảng, tới lý tưởng của chúng ta, đó là tự do, bình đẳng và công lý cho tất cả.
Cho đến ngày đó, chúng ta sẽ thể hiện rõ bằng hành động, đó là không có vùng xám đối với nạn phân biệt chủng tộc, bạo lực và bất công. Chúng ta sẽ không quảng bá nó cũng như những người ủng hộ nó trên Snapchat.
Điều này không có nghĩa chúng ta sẽ xóa nội dung mà mọi người không đồng ý hoặc gỡ các tài khoản mà một số người cho là thiếu sự đồng cảm. Ta sẽ còn cần tranh luận nhiều về tương lai của nước Mỹ và cả thế giới. Thế nhưng, giá trị của cuộc sống con người và tầm quan trọng của cuộc đấu tranh không ngừng vì tự do, bình đẳng và công lý ở nước ta là vấn đề không cần bàn cãi. Chúng ta luôn đồng hành cùng với tất cả những người ủng hộ hòa bình, sự yêu thương và công lý. Chúng ta sẽ sử dụng nền tảng của mình để tuyên truyền điều thiện thay vì điều ác.
Tôi biết nhiều người nghĩ có "một số người" phân biệt chủng tộc hoặc "một số sự bất công" trong xã hội không có nghĩa tất cả mọi người "đều xấu". Theo quan điểm của tôi, lòng nhân đạo có tính liên kết chặt chẽ và khi một người trong chúng ta đau khổ, tất cả chúng ta cũng đau khổ. Khi một người trong chúng ta đói, tất cả chúng ta cũng đói. Và khi một người trong chúng ta nghèo, tất cả chúng ta cũng nghèo. Khi bất cứ ai trong chúng ta im lặng để cho sự bất công xảy ra, thì khi đó tất cả chúng ta đều đã thất bại trong việc tạo ra một quốc gia hướng tới những lý tưởng cao nhất.
Một số người đã hỏi Snap có đóng góp cho các tổ chức ủng hộ sự công bằng và bình đẳng không. Câu trả lời là có. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, hoạt động từ thiện chỉ là một nỗ lực nhỏ và chưa đủ để thay đổi sự bất công kéo dài trong xã hội này. Dù gia đình Snap đã và sẽ tiếp tục đóng góp một cách có ý nghĩa để tạo cơ hội cho những người chịu thiệt thòi và ủng hộ những người bảo vệ công lý, tình hình hiện tại đòi hỏi chúng ta phải tổ chức lại xã hội một cách triệt để hơn. Hoạt động từ thiện tư nhân có thể vá lỗ hổng hoặc đẩy nhanh sự tiến bộ, nhưng không đủ để bù đắp lỗ hổng quá lớn của sự bất công. Nước Mỹ phải đoàn kết lại, cùng nhau lấp đầy lỗ hổng đó. Đoàn kết cùng phấn đấu cho sự tự do, bình đẳng và công lý cho tất cả.
Chúng ta còn có nhiều thách thức to lớn phía trước. Để đương đầu với lịch sử bạo lực và bất công lâu đời ở Mỹ, trong đó George, Ahmaud, Breonna cùng vô số người khác chưa biết tên là những nạn nhân mới nhất, chúng ta phải hướng tới sự thay đổi triệt để. Đây không chỉ là sự thay đổi đất nước, mà còn là sự thay đổi trong tâm chúng ta. Chúng ta phải mang đến ánh sáng của hòa bình và chia sẻ tình yêu với tất cả nhân loại.
Mong mọi người luôn bình an,
Evan
Back To News